Dưới đây là một vài sự tích về thần tài được truyền tụng trong dân gian: Một là Thần tài Như Nguyệt. Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thành Thảo, được Thủy thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà.
Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn. Một hôm, vào tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất. Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp trở nên nghèo khổ.
Người ta cho rằng, Như Nguyện là thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.
Sự tích thần tài vào ngày tết
Do sự tích này, người ta có tục kiêng cữ quét rác và hốt rác trong ba ngày tết, sợ thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo, thất bại. Cũng do sự tích này mà người ta lập bàn thờ thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên. Nhưng trong thực tế, người ta thường gọi là ông thần tài chớ không ai gọi là bà thần tài, nên sự tích thần tài là cô gái Như Nguyện chưa hẳn là chính xác.
Hai là, Thần tài Triệu Công Minh: Ông là một người dân ở núi Võ Đang, Trung Quốc. Ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn.
Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì vứt bỏ vào đống rác.
Ông lão họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt.
Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thỏi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho ông Triệu. Ông Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo.
Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền kha khá, đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng lão Viên quen phá gia, chẳng làm ăn được gì, hết sạch cả vốn liếng. L
ão Viên lại sinh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vậy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy ra tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng lập miếu thờ Triệu Công Minh gọi là miếu Thần tài.
Nhưng có thuyết khác lại nói ông chính là người giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận lên bảng Phong Thần, ông được Khương Tử Nha sắc phong làm Chính Nhất Long Hổ Huyền chân quân thống lĩnh bốn vị thần : Chiêu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị. Thuyết này được nhiều người tin theo.
Phân loại thần tài : Gồm có hai loại là văn thần tài và võ thần tài.
Một là văn thần tài là Tài Bạch tinh quân và Tam Đa tinh quân. Tài Bạch tinh quân vốn là Thái Bạch Kim Tinh trên thượng giới, chức tước là thiên chí phú Tài Bạch Tinh quân chuyên quản tiền tài vàng bạc của thiên hạ. Nên người ta hay đặt tượng ông nơi tài vị. Ngoại hình như một vị trưởng giả giàu có, mắt trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, tay trái ôm một thỏi Kim nguyên bảo.
Tam Đa tinh quân: Đó là Phúc Lộc Thọ, tam tinh. Phúc tinh tay ôm đứa bé tượng trưng có con thì vạn sự đủ phúc khí. Lộc tinh mặc triều phục sặc sỡ, tay ôm ngọc như ý, tượng trưng thăng quan tiến chức, thêm tài tăng lộc.
Thọ tinh tay ôm quả đào thọ, mặt lộ vẻ hiền hòa, hạnh phúc tượng trưng cho an khang trường thọ. Trong ba vị chỉ có Lộc tinh mới là tài thần, nhưng do xưa nay ba vị thường đi chung không rời, nên người ta luôn làm chung tượng. Nếu đặt cả tam tinh vào tài vị thì cả nhà an vui, hạnh phúc, phúc lộc cùng đến.
Những người giữ chức văn, làm về sách vở, chính trị, đại loại liên quan đến bút mực con giấy nên đặt tượng văn thần tài nơi tài vị.
Hai là võ thần tài chia làm hai là: Triệu Công Minh râu đen, mặt đen, và Quan Thánh đế ( còn gọi là Quan Công ) mặt đỏ, râu dài.
Triệu Công Minh: Sauk hi tử trận lên bảng Phong Thần, ông được Khương Tử Nha sắc phong làm Chính Nhất Long Hổ Huyền chân quân thống lĩnh bốn vị thần : Chiêu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị vừa giúp tăng tài, tiến lộc vừa có thể hàng ma phục yêu, nên một số người Hoa cũng thích thờ ông, hay đặt tượng ông nơi tài vị, vừa giúp vượng tài, vừa bình an.
Quan Thánh đế: Chính là nhân vật Quan Công trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa. Người Trung Quốc đều thờ Quan Thánh trong nhà, có thể giúp cho người chiêu tài, tiến bảo, làm ăn thuận lợi, tai qua nạn khỏi, trừ tà hộ thân.
Những người làm quan võ, theo nghiệp lính, những ông chủ kinh doanh nên thờ vũ thần tài hoặc đặt tượng ở nơi phương tài vị, hướng ra cửa. Có một số người còn đặt cả hai tượng Khổng Minh và Quan Công, có ý nghĩa hóa sát tà khí, đuổi bọn tiểu nhân, thuận lợi trong kinh doanh.
Bài vị thần tài thường được thể hiện bằng chữ viết “ Chiêu tài tiến bảo ” hoặc hai bên thành của bàn thờ có viết đôi câu đối với nội dung như sau:
Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khả xuất hoàng kim
Đại ý:
Thổ hay sinh ngọc trắng
Đất cũng cho vàng rồng
Phía trước bài vị còn có 100 thoi vàng giấy.
Thần thổ địa : Có rất nhiều thuyết khác nhau về thần thổ địa. Truyền thuyết, vua Tần Thủy Hoàng bạo ngược, bắt dân xây dựng Vạn Lý Trường Thành, người chông của nàng Mạnh Khương tên Hàn Kỷ Lang cũng bị bắt đi làm sưu, chẳng may bị chết dưới thành.
Nàng Mạnh Khương đi tìm xác chồng nhưng không gặp, liều khóc đến nỗi lật cả tường thành lên, hiện ra vô số bộ xương người, không có cách nào để biết được xương của ai. Có một lão ông xuất hiện bảo cách lấy máu của người vợ nhỏ vào xương, nếu xương nào hút máu cực nhanh, thì đó là xương của chồng.
Nếu tìm được xương của chồng nàng thì ông lão nguyện làm người giữ mộ. Nàng Mạnh Khương nghe theo, quả nhiên nhận ra hài cốt của chồng, rồi nàng cùng ông lão đem chôn cất. Ông giữ lời hứa, ở mãi nơi đó giữ mộ đến cuối đời. Từ đó có truyền thuyết về Hậu Thổ.
Trong sách Lễ ký có viết: “ Người gia chủ là đứng đầu của xã ” ( Thần Trung Lựu tức là Thổ thần ).
Sách Lã Thị Xuân thu viết: “ Ngày lành, tháng tốt, từ công xã đến xóm ấp, hưởng ngũ kỷ của tổ tiên ”. Ngũ kỷ gồm Mộc là thần Câu Mang, cúng để giữ nhà, Hỏa là thần Chúc Dung, cúng để giữ bếp; Thổ là Hậu Thổ, cúng thần Trung Lựu ; Kim là thần Nhục Thu, cúng để giữ cửa ; Thủy là thần Huyền Minh, cúng để giữ giếng.
Sách Xuân thu tả truyện viết: “ Thần Cộng Công có người con trai tên Cậu Long, giúp Chuyên Húc an định chín vùng đất, nên thành ra Hậu Thổ, lại phong làm Thượng Công, khi cúng tế thì gọi là thần xã ”.
Thần thổ địa đã từ thần đất chuyển hóa thành thần người, biểu lộ tinh thần trời người hợp một của người Trung Quốc, thành ra quan niệm có tính cách đa thần, dung hợp được chủ thể và khách thể một cách hài hòa.